UBND huyện Tháp Mười, Đồng Tháp tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2017

Thảo luận trong 'Tin Tuyển Dụng' bắt đầu bởi Hoàng Vũ, 7/11/17.

  1. Hoàng Vũ

    Hoàng Vũ Moderator Thành viên BQT

    Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

    Căn cứ Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười về việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2017;


    Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện Tháp Mười thông báo tuyển dụng viên chức vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn huyện Tháp Mười như sau:

    I. Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

    1. Đối tượng xét tuyển
    Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:
    – Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
    – Từ đủ 18 tuổi trở lên;
    – Có đơn đăng ký dự tuyển;
    – Có lý lịch rõ ràng;
    – Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn của vị trí cần tuyển, cụ thể:

    Đối với chức danh nghề nghiệp Giáo viên mầm non hạng IV – Mã số: V.07.02.06:
    + Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên;
    + Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gọi tắt là trình độ ngoại ngữ bậc 1) hoặc chứng chỉ tiếng Anh trình độ A trở lên;
    + Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (gọi tắt là trình độ tin học đạt CNTT cơ bản) hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên đối với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C (theo Quyết định số 21/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 03 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình tin học ứng dụng A, B, C) đang triển khai trước ngày Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2016 có hiệu lực (gọi tắt là chứng chỉ tin học trình độ A trở lên).

    Chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng IV – Mã số: V.07.03.09:
    + Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên;
    + Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc chứng chỉ tiếng Anh trình độ A trở lên. Riêng đối với giáo viên dạy tiếng Anh phải có chứng chỉ đạt trình độ từ B2 (hoặc tương đương) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chứng chỉ trình độ tiếng Anh được cấp từ các trường Đại học hoặc trung tâm ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và cấp phép.
    + Có trình độ tin học đạt chuẩn CNTT cơ bản hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.

    Chức danh nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng III – Mã số: V.07.04.12:
    + Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc cao đẳng các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;
    + Có chứng chỉ đạt trình độ từ B2 (hoặc tương đương) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chứng chỉ trình độ tiếng Anh được cấp từ các trường Đại học hoặc trung tâm ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và cấp phép;
    + Có trình độ tin học đạt chuẩn công nghệ thông tin cơ bản hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.

    Chức danh nghề nghiệp Thư viện viên hạng IV, mã số: V.10.02.07:
    + Có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng về chuyên ngành thư viện hoặc chuyên ngành khác có liên quan. Nếu tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;
    + Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc chứng chỉ tiếng Anh trình độ A trở lên hoặc tương đương;
    + Có trình độ tin học đạt chuẩn công nghệ thông tin cơ bản hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.

    Điều kiện bổ sung: Không dị tật, nói lắp, nói ngọng, viết sai chính tả.

    2. Những người sau đây không được đăng ký xét tuyển:
    – Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
    – Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

    3. Hồ sơ xét tuyển:
    – Đơn đăng ký dự tuyển viên chức;
    – Bản Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
    – Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;
    – Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khoẻ chứng nhận;
    – Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực;
    Hồ sơ đựng trong phong bì cỡ 24cm x 34cm (ngoài bì ghi đầy đủ các loại giấy tờ có trong hồ sơ).

    4. Nội dung, hình thức xét tuyển: gồm 2 phần, như sau:
    – Xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển;
    – Kiểm tra, sát hạch thông qua thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
    + Đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS, Tiểu học, Mầm non: thực hành soạn giáo án. Thời gian là 90 phút.
    + Đối với chức danh nghề nghiệp Thư viện: thực hiện bài kiểm tra thực hành về chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian là 90 phút.

    5. Cách tính điểm:
    a). Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
    b). Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
    c). Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 2.
    d). Điểm thực hành được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 2.
    đ). Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm thực hành.

    6. Xác định người trúng tuyển:
    a) Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau đây:
    + Có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn hoặc thực hành, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên;
    + Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
    b) Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có điểm thực hành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm thực hành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
    c) Trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định người trúng tuyển.
    d) Không thực hiện bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.

    7. Lệ phí dự tuyển:
    Thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức: 400.000đ/thí sinh/lần. Được thu tại thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển.

    * Lưu ý:
    Bản chính của các bản sao nêu trên bắt buộc phải mang theo trong ngày xét tuyển (để đối chiếu hồ sơ)
    Hồ sơ phát hành tại Tổ Hành chính – Tổ chức, Phòng GD&ĐT huyện Khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, số điện thoại (0277)3824129, kể từ ngày ra thông báo.

    II. Chỉ tiêu tuyển dụng: 61 chỉ tiêu, cụ thể như sau:

    – Khối mầm non: Chức danh nghề nghiệp Giáo viên mầm non hạng IV – Mã số: V.07.02.06 là 45 chỉ tiêu.
    – Khối Tiểu học: Tổng cộng 14 chỉ tiêu. Trong đó:
    + Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV – Mã số V.07.03.09: 11 chỉ tiêu. Trong đó: Tiểu học 06 chỉ tiêu; Tiếng anh 01 chỉ tiêu; Tin học 02 chỉ tiêu; Âm nhạc 01 chỉ tiêu.
    + Chức danh nghề nghiệp Thư viện viên hạng IV, mã số: V.10.02.07 là 04 chỉ tiêu.
    – Khối Trung học cơ sở: Tổng cộng 02 chỉ tiêu. Trong đó:
    + Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III – Mã số: V.07.04.12 là 01 chỉ tiêu;
    + Chức danh nghề nghiệp Thư viện viên hạng IV, mã số: V.10.02.07 là 01 chỉ tiêu.

    III. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ

    1. Thời gian nhận hồ sơ: từ ngày 01 tháng 11 năm 2017 đến hết ngày 30/11/2017.

    2. Địa điểm nhận hồ sơ: Nộp hồ sơ tại Tổ Hành chính – Tổ chức, Phòng GDĐT huyện Tháp Mười, địa chỉ: Khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, số điện thoại (0277)3 824129 (những trường hợp không được tuyển dụng, Phòng GD&ĐT không trả lại hồ sơ).

    IV. Thời gian, địa điểm xét tuyển

    1. Thời gian kiểm tra, sát hạch dự kiến: Lúc 07 giờ ngày 22/12/2017 (01 ngày) lịch xét tuyển cụ thể sẽ có thông báo sau.

    2. Địa điểm kiểm tra, sát hạch: Tại Hội trường Phòng GDĐT Tháp Mười. Địa chỉ: Khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

    3. Nội dung kiểm tra sát hạch: Đề cương ôn tập kèm theo hồ sơ.

    Trên đây là thông báo tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện. Trong quá trình lập hồ sơ đăng ký, nội dung nào cá nhân chưa rõ thì liên hệ qua số điện thoại (0277) 3 824129 để được hướng dẫn./.